
Đến với vùng đất Tiền Giang, tôi không chỉ cảm nhận được cái tình người ấm áp nơi đây mà còn có cơ hội trải nghiệm nhiều điều thú vị như đi chợ nổi hay khám phá miệt vườn, một nét đặc trưng của miền Tây.
Với tôi đây có lẽ là chuyến đi thú vị nhất trong suốt quãng thời sinh viên của mình, bởi lẽ đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch một mình. Vốn là một người thích di chuyển, tôi đã đi khá nhiều nơi nhưng hầu hết là các điểm quanh khu vực miền Bắc và lần này tôi chọn Tiền Giang là điểm đến tiếp theo.
Trước khi đi tôi cũng có tìm hiểu về nơi đây và vô tình đọc được câu thơ “Tội gì anh phải đi xa. Mỹ Tho con gái mặn mà dễ thương”. Điều này càng làm tôi háo hức về chuyến đi của mình.
Đặt chân lên mảnh đất Tiền Giang, điều đầu tiên cuốn hút tôi chính là dòng sông Tiền thơ mộng. Dòng sông này nước ngọt quanh năm, đất đai rất màu mỡ, cây lành trái ngọt, chả trách mà con gái nơi đây lại “da trắng tóc dài”, nổi tiếng xinh đẹp.

Nơi đây còn được biết đến là quê hương của những phu nhân nổi bật nhất lịch sử dân tộc như Nam Phương hoàng hậu và bà Từ Dũ, vợ của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ngoài những gì được kể lại, trong suốt chuyến đi của mình tôi còn cảm nhận được người con gái Tiền Giang không chỉ đẹp người mà còn đẹp cả nết…
Các cô gái miền sông nước luôn có lối sống giản dị, mộc mạc. Họ không hề phô trương nhưng lại vô cùng hấp dẫn và cuốn hút một cách kỳ lạ. Một điểm ở những người con gái Tiền Giang khiến tôi khá bất ngờ đó là sự thẳng thắn. Thiết nghĩ nếu chàng trai nào yêu một cô gái Tiền Giang thì hẳn sẽ không phải đau đầu suy nghĩ xem liệu cô ấy nói như vậy có phải như vậy không.
Tuy nhiên, điều thu hút tôi hơn cả là cảnh đẹp nơi đây và có cơ hội khám phá nét văn hóa miền tây ở Chợ nổi Cái Bè. Khi nhìn những hình ảnh các con thuyền chở đầy ắp hàng hóa đầy sắc màu len lỏi trên con sông miền Tây, bạn sẽ ao ước được đến với chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang, khu chợ trên sông tấp nập bậc nhất cả nước.

Trên thuyền họ chất đầy hàng hóa, chủ yếu là các loại nông sản, trái cây theo mùa. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra.
Một điểm đặc biệt khi đến với chợ nổi Cái Bè hay bất kỳ chợ nổi nào ở miền Tây, đó là bạn sẽ được nghe những câu đố đầy thú vị:
“Cái gì treo mà không bán?” Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi cả trên thuyền, do đó “mặt hàng” này họ không bán.
“Cái gì bán mà không treo?” Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được.
“Cái gì mà treo cái này, bán cái khác?” Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền của họ thường treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa.
Rời chợ nổi tôi đến với Miệt vườn Cái Bè, đến Tiền Giang mà không ghé qua đây thì thật là thiếu sót lớn. Miệt vườn Cái Bè nằm dọc theo bờ bắc của sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Được bao bọc bởi nhiều kênh rạch nên Cái Bè quanh năm như đắm mình trong phù sa màu mỡ của miền châu thổ. So với các miệt vườn ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè thuộc hạng “phong phú vào bậc nhất”, trái cây có 4 mùa, mùa nào thức ấy nên du khách đến Cái Bè dù ở mùa nào cũng đầy ắp nhiều loại trái cây chín thơm ngon.

Điểm đặt chân cuối cùng của tôi trong chuyến du lịch 5 ngày tại mảnh đất xinh đẹp, ấm áp tình người này chính là cù lao Thái Sơn. Nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cù lao Thái Sơn còn có tên gọi khác là cồn Thái Sơn hay cồn Lân. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch miệt vườn.

Đặc trưng của miền sông nước này đó là đi xuống đò xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp. Nếu muốn tận hưởng cảm giác yên bình, bạn cũng có thể đi tản bộ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê, và ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong và nghe đàn ca tài tử.
Mải mê nói kể về con người và cảnh đẹp nơi đây mà tôi suýt quên mất những món ăn, những đặc sản mà bạn không thể bỏ qua khi đến nơi đây như: Hủ tiếu Mỹ Tho, Vú sữa Lò Rèn, Bún gỏi già Mỹ Tho, Ốc gạo Tân Phong, Bánh vá (bánh giá), Bánh bèo chợ Hàng Bông, Chuối quết dừa, Mắm tôm Tiền Giang…

Trong lần đến xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tôi may mắn được thưởng thức đặc sản nơi đây đó chính là vú sữa Lò Rèn. Tôi cảm nhận vị loại quả này không ngọt quá mà dìu dịu, thịt mềm lại còn thoảng mùi thơm hấp dẫn và nó làm tôi nhớ đến câu chuyện cổ tích về tình mẫu tử thiêng liêng. Vị ngọt ngào và mát lịm của nó giống như dòng sữa mẹ.
Nghe người dân ở đây kể lại vú sữa Lò Rèn gắn bó với vùng đất Vĩnh Kim từ những năm đầu thế kỷ 20. Cái tên “Lò Rèn” bắt nguồn từ câu chuyện kể về người thợ rèn năm nao đã nhân được giống vú sữa ngon cho mảnh đất ấy. Từ đó nó trở thành loại trái cây cho thu nhập cao nhất trong số các loại cây ăn trái ở đây.

Trở lại với thành phố ồn ào và chuẩn bị cho một kì học mới nhưng cảm xúc và ấn tượng trong tôi về Tiền Giang vẫn còn nguyên vẹn. Chắc chắn sau chuyến đi này tôi sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều vùng đất mới để tận hưởng trọn vẹn cái đẹp và tình người nơi đó.